Tiếng ViệtTiếng Anh
Nền trang con

Tin tức hoạt động

Tin tức hoạt động

Cảng biển chạy đua đón tàu nhiên liệu sạch tỷ đô

Để đón những con tàu tỷ đô chạy bằng nhiên liệu sạch, việc đầu tư hạ tầng với các cảng biển là bắt buộc. Tuy nhiên, nguồn vốn khổng lồ là một thách thức lớn.

Đua nhau đóng tàu chạy nhiên liệu sạch

Tháng 9/2023, tàu Laura Maersk được hạ thủy, trở thành con tàu đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu methanol sinh học. 

Để đạt được mục tiêu tàu sử dụng nhiên liệu sạch vận chuyển 1/4 khối lượng hàng hóa vào năm 2030, Maersk cũng đặt thêm 24 tàu container sử dụng nhiên liệu metanol để thay thế các tàu hiện có.

Cảng biển chạy đua đón tàu nhiên liệu sạch tỷ đô   - Ảnh 1.

Các hãng tàu thế giới đang đua nhau đóng mới tàu chạy bằng nhiên liệu sạch, đặt ra những thách thức với các cảng biển thế giới và Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Tham gia vào cuộc đua đóng tàu chạy bằng nhiên liệu kép metanol với trị giá hàng tỷ USD còn có những hãng tàu lớn hàng đầu thế giới như: Evergreen (24 tàu có sức chở 16.000 Teu), CMA – CGM (khoảng 18 tàu), COSCO (12 tàu)... Theo Reuters, các tàu mới được dự kiến bàn giao trong giai đoạn 2024-2030.

Trong khi đó, nhiều hãng tàu đang triển khai và thử nghiệm các tàu sử dụng các nhiên liệu khác như LNG, hydro, Amoniac, điện...

Theo các chuyên gia quốc tế, ngành vận tải biển ngày càng cấp bách trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Đội tàu mới chạy bằng nhiên liệu sạch sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để hoàn thành quá trình chuyển đổi, các chủ tàu, người khai thác, người quản lý và người thuê tàu sẽ cần mạng lưới cơ sở hạ tầng cảng và kho chứa nhiên liệu để tiếp nhiên liệu trên các tuyến đường vận chuyển chính. Điều này đòi hỏi phải đầu tư dài hạn, có mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cảng và tàu tiếp nhiên liệu trên khắp thế giới.

Hiện nay, một số quốc gia như Thụy Điển, Singapore, Trung Quốc... đã ký kết với một số hãng tàu container biên bản ghi nhớ về việc mua sắm, cung cấp và vận chuyển nhiên liệu metanol tại các cảng lớn, thành lập trung tâm tiếp nhiên liệu metanol.

Theo Liên minh Không phát thải (Getting to Zero Coalition - liên minh của hơn 140 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng hải, năng lượng, cơ sở hạ tầng và tài chính quốc tế), việc khử cacbon trong ngành vận tải biển tới năm 2050 sẽ cần tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 -1,6 nghìn tỷ USD. Trong đó, 87% khoản đầu tư đó sẽ dành cho cơ sở hạ tầng với phần lớn là việc sản xuất, tổng hợp, lưu trữ và tiếp nhiên liệu.

Các chuyên gia nhận định, cải thiện cơ sở hạ tầng cảng là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác và tổ chức chặt chẽ giữa từ chủ tàu, cảng, nhà cung cấp nhiên liệu thay thế, cơ quan quản lý nhà nước... Với nguồn vốn đầu tư lớn, điều này là thách thức đối với các cảng biển.

Tại Việt Nam, hơn 95% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận tải bởi các hãng tàu nước ngoài. Các hãng tàu lớn như Maesk Line, COSCO, Evergreen... đều thường xuyên có tuyến vận tải đến cảng biển của Việt Nam. Bởi thế, cảng biển cũng đối mặt với những thách thức trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Bài toán nguồn vốn đầu tư

Mấy năm nay, Cảng Quy Nhơn đã từng bước phát triển cảng theo hướng cảng xanh, cảng thông minh khi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi các cẩu sử dụng nhiên liệu diesel sang dùng điện.

Ông Hồ Liên Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, đây chỉ là một trong những bước đầu tiên trong việc hướng tới cảng xanh, bảo vệ môi trường.

Các cảng cũ phải tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp đầu tư. Cảng mới phải thay đổi, định hướng đầu tư xây dựng theo cách mới để tiến tới cảng xanh. Hạ tầng cầu cảng đã có thể đáp ứng, nhưng các dịch vụ cần đầu tư. Cảng phải tiếp nhận được hết các yêu cầu của hãng tàu, nếu không hãng tàu có thể ghé các cảng của quốc gia khác. Doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước, vì nguồn vốn rất lớn.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN

Đối với hạ tầng cảng biển cùng kho chứa, tiếp nhiên liệu, tại Cảng Quy Nhơn nói riêng và các cảng biển của Việt Nam nói chung ít khi là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu. Dù vậy, các cảng vẫn phải đảm bảo đầy đủ dịch vụ để khi các hãng tàu cần là có thể được đáp ứng.

Tuy nhiên, việc tiếp nhiên liệu cho các tàu không phải do các cảng thực hiện mà chỉ một vài đơn vị riêng được phép cung cấp dịch vụ này vì nhiên liệu nằm ở các kho lưu trữ riêng.

Đối với điện bờ để cung cấp cho các hãng tàu, ông Nam thông tin, lâu nay, điện bờ chỉ cấp theo dạng điện sinh hoạt. Đối với các tàu biển chạy bằng điện mà thế giới đang nghiên cứu, hiện có rất ít thông tin về việc chuyển đổi, cung cấp điện để các cảng biển có định hướng nghiên cứu, chuẩn bị.

Đồng quan điểm, ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) cho rằng, để đáp ứng cho thế hệ tàu mới chạy bằng nhiên liệu khí hóa lỏng hay điện trong tương lai, các cảng cũng phải đáp ứng các yêu cầu về các dịch vụ riêng cho các dòng tàu này.

Các hãng tàu thường đặt ra những yêu cầu riêng để các cảng nghiên cứu phương thức đáp ứng những nhu cầu thực tế mới chấp nhận ghé cảng. Thế nhưng, bài toán kinh phí đầu tư không dễ.

"Chi phí đầu tư điện bờ cũng hàng triệu USD. Đối với hạ tầng lưu trữ và tiếp nhiên liệu khí hóa lỏng, hiện trên thế giới vẫn nghiên cứu và các hãng tàu cũng chưa đưa ra yêu cầu hay bài toán nào cho các cảng", ông Vũ nói và cho rằng, các cảng cũng phải bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN cho rằng, các cảng tại Việt Nam hiện chủ yếu là cảng biển thế hệ cũ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhiều cho xu hướng chuyển dịch sang cảng xanh.

"Muốn gia nhập tuyến vận tải biển xanh, bắt buộc phải thay đổi. Ước tính, các chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ... sẽ tăng thêm khoảng 10-15% kinh phí xây dựng", ông Long nói.



Tin tức liên quan


Đối tác & Khách hàng

VCC-SHIPPING MANPOWER JSC

© 2024 VCC-SHIPPING. ALL RIGHTS RESERVED.